Thị trường lịch bloc 2011: Tái diễn độc quyền?

Thị trường lịch bloc năm 2011 xuất hiện yếu tố bất ngờ khi Hội Xuất bản Việt Nam muốn quay trở lại thời “độc quyền” bằng việc đặt ra định mức 16,2 triệu bloc lịch cho cả nước và áp đặt mỗi NXB không được làm ra quá 270.000 bloc lịch. Bất chấp những ý kiến không đồng tình, đến nay các nhóm làm lịch đã triển khai xong việc in lịch.

1/ Liên kết để đạt “hiệu quả cao”

TS Lê Quang Khôi, Giám đốc NXB Nông nghiệp, trưởng 1 trong 4 nhóm làm lịch năm nay thông báo “tiền đã đóng và lịch đang in, dự kiến từ đây đến tháng 9 lịch sẽ bắt đầu được đưa ra thị trường”. Như vậy, về lý thuyết kế hoạch “độc quyền” làm lịch do Hội Xuất bản (HXB) Việt Nam  khởi xướng đã hoàn tất giai đoạn tập hợp và sản xuất, sẵn sàng giai đoạn 2 phát hành lịch bloc ra cả nước.

Cần nhắc lại, vào đầu tháng 4 năm nay, các NXB chuyên làm lịch chiếm đa số trong HXB đã đưa ra “Thông báo kết luận về việc thỏa thuận xuất bản lịch bloc” với các quy định cụ thể về số lượng lịch bloc cung cấp cho thị trường cả nước là 16,2 triệu cuốn, chia đều cho mỗi NXB làm 270.000  cuốn, đồng thời phân các NXB làm lịch trong cả nước thành 4 nhóm nhằm dễ huy động vốn. Vào ngày 12-4-2010, hội còn mạnh tay hơn khi gửi công văn đề nghị “Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản thống nhất quản lý số lượng lịch bloc 2011… và không xác nhận cho NXB nào đăng ký vượt mức 270.000 bloc”.

Như vậy, HXB Việt Nam đã gần như phủ nhận văn bản số 1187 do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành cách nay 5 năm, trong đó quy định “các NXB tự chủ, tự quyết định trong việc tham gia hoặc không tham gia xuất bản, in, phát hành lịch bloc”.

HXB cho rằng việc xuất bản lịch bloc theo hướng thỏa thuận liên kết, đảm bảo cân đối cung cầu, quản lý số lượng đăng ký, đấu thầu khâu in và phát hành… sẽ giúp cho mùa lịch bloc 2011 đạt hiệu quả cao (!?).

2/ Hiệu quả cho ai?

Nếu tính từ thời điểm NXB Đại học Quốc gia TPHCM xé rào năm 2006, thị trường lịch dù ban đầu có nhiều bất ổn nhưng càng về sau càng đi dần vào quy củ. Để cạnh tranh, các đơn vị làm lịch bắt đầu quan tâm cải tiến mẫu mã, đáp ứng các nhu cầu riêng của khách hàng, giảm giá thành sản phẩm…

Còn thị trường lịch bloc 2011 với cơ chế độc quyền “mới nhưng cũ” do HXB đưa ra sẽ như thế nào? Chỉ riêng việc định ra con số 16,2 triệu bloc lịch đã gây khó hiểu. Theo HXB thì đây là con số dựa trên khảo sát từ các năm trước, tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng có thể thay đổi rất nhanh, một con số tham khảo từ các năm trước liệu có còn đúng với năm nay?

Không những thế, HXB còn cực đoan hơn khi yêu cầu bắt buộc các NXB phải sản xuất lịch bloc bao gồm đủ 4 chủng loại: tiểu, trung, đại và siêu cực đại. Nếu theo đúng quy định này thì ước lượng lịch bloc cỡ tiểu trong cả nước sẽ ở mức 5 triệu cuốn. Đây là một điều phi lý khi vài năm trở lại đây, lịch bloc tiểu hay thậm chí là cỡ trung tiêu thụ rất kém. Theo các nhà phát hành lịch lớn trong cả nước thì tối đa lịch bloc cỡ tiểu sẽ chỉ tiêu thụ được khoảng 2 triệu cuốn.

Về mẫu mã, năm nay người tiêu dùng đến giờ này có thể quên đi việc trông chờ sự đa dạng hấp dẫn của lịch bloc như những năm trước đây. Các mẫu lịch bloc đã được các nhóm làm lịch tự lựa chọn và quyết định xong, các khách hàng lớn đã không còn có thể yêu cầu những mẫu riêng cho mình, tư nhân không còn chỗ thể hiện sự sáng tạo các mẫu mã mới.

Vậy cái “hiệu quả cao” mà HXB nhắc đến là dành cho ai? Trước đây, khi còn độc quyền, các NXB liên kết với nhau, ấn định số lượng, mẫu mã, chia nhau làm, chia nhau bán, chia nhau lợi nhuận. Lịch bloc lúc đó luôn được duy trì ở mức cung thấp hơn cầu để tạo khan hiếm, từ đó đảm bảo các nhóm làm lịch luôn bán được hết hàng. Cách làm này giúp các NXB thu lợi lớn từ việc bán lịch, trong khi đó người tiêu dùng lại bị đặt trước tình trạng buộc phải mua do không có sản phẩm để lựa chọn.

3/ Nguy cơ sụp đổ dây chuyền

HXB muốn quay lại thời kỳ trước, họ đã nỗ lực và trước mắt guồng máy làm lịch đang đi theo cách của trước đây 5 năm. Thế nhưng, thị trường 5 năm sau đã không còn như trước đây. Ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) tỏ vẻ lo lắng: “Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng mua lẻ lịch bloc rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp mua lịch để tặng. Họ có yêu cầu mẫu lịch riêng để tặng khách hàng, đồng thời giúp quảng bá thương hiệu. Chỉ 2 – 3 ngân hàng tại TPHCM đã đặt trên 300.000 lịch bloc. Tình hình năm nay nếu mẫu lịch được định sẵn không thể thay đổi thì khả năng các doanh nghiệp sẽ chọn sản phẩm khác thay thế, lịch bloc có thể rất khó bán”.

Một vấn đề khác cũng đang đặt nặng lên các nhóm làm lịch là khả năng phát hành của Tổng công ty Sách Việt Nam (Savina), đơn vị nhận phát hành lịch 2011. Điều này đang gây lo ngại cho các NXB khi lịch được sản xuất từ tiền của họ nhưng bán lại nằm trong tay Savina, một đơn vị chưa chứng minh được khả năng bán lịch của mình.

Một trở ngại lớn khác nữa là giá thành. Những năm trước, giá lịch do cạnh tranh luôn được đảm bảo ở mức vừa phải. Nay chỉ tính riêng hệ thống sản xuất, phát hành đã thấy chồng chất từ NXB, tổng phát hành, phát hành địa phương… Vì vậy giá lịch năm nay sẽ khó có được mức hấp dẫn như mọi năm.

Và mối đe dọa lớn nhất lại nằm ở chính bản thân các NXB. Nếu ở thời điểm cuối cùng, trước sức ép của thị trường, chỉ cần một NXB phá rào thì tất cả sẽ sụp đổ và do các NXB khác đã đóng một khoản tiền lớn để làm lịch, sự sụp đổ trên sẽ trở thành dây chuyền. Việc phá rào này được dự báo là có nguy cơ rất lớn vì trên thực tế việc làm của HXB đang vi phạm Luật Cạnh tranh nên việc phá rào không chịu áp chế của luật pháp.

Thị trường lịch năm 2011 sau những cú sốc về việc quay lại thời “độc quyền”, nay lại đang căng thẳng chờ đợi giờ G, giờ phát hành lịch bloc ra thị trường. Tất cả mọi tham vọng dù có thể “đạp” qua dư luận nhưng liệu có thể tồn tại theo sự điều tiết của quy luật  kinh tế thị trường hay không sẽ được sáng tỏ