Đi tìm cuốn lịch cổ của người Việt ( Phần II )

2/ Lịch Tre là sản phẩm của tổ tiên người Việt, người Mường?

Bóc tách từng lớp bụi mờ thời gian, chúng ta nhận thấy trong Lịch Tre của người Mường có những điểm gạch nối với những mảnh vỡ của cuốn lịch Việt cổ còn lại trong ca dao, tục ngữ. Đó là, đầu tháng là ngày có trăng non, cách gọi 10 ngày đầu tháng là “Mồng”…

Hơn nữa, các nhà nhân học trong và ngoài nước khi nghiên cứu về các tộc người ở Việt Nam đều khẳng định rằng, trước Công nguyên ở nước ta đã từng tồn tại một cộng đồng Việt-Mường chung, nói một thứ tiếng Việt-Mường chung và chỉ đến thiên niên kỷ thứ nhất mới dần dần có sự phân hoá thành người Kinh sống chủ yếu ở miền châu thổ và người Mường chủ yếu ở vùng thung, đồi trước núi.

Như vậy, nếu Lịch Tre có từ trước khi cộng đồng chung Việt-Mường chia tách, cũng có nghĩa nó là tài sản chung mà tổ tiên người Việt, người Mường đã sáng tạo nên.

Kiều Bá Mộc đã sưu tầm tại Mường Bi (Tân Lạc, Hoà Bình) một truyền thuyết có liên quan đến nguồn gốc của cuốn Lịch Tre [Kiều Bá Mộc 1988: 86-87]. Truyện kể rằng:

Vào đời Hùng Vương dựng nước, nhà vua có lần dạo thuyền trên sông, do sơ ý mà để rơi một viên ngọc quý. Nhiều người thợ lặn được gọi đến, song không một ai tìm ra. Nhà vua bèn triệu tất cả các đạo sĩ nổi tiếng trong nước để dò tìm viên ngọc, nhưng đều vô hiệu. Một hôm có một thổ lang Mường Bi, tiếng tăm nổi cồn trong ngoài mường xin yết kiến nhà vua. Sau khi xem quẻ bói bằng chân gà, thổ lang bình tĩnh tâu rằng.

-Cúi xin bệ hạ cứ yên tâm. Viên ngọc quý của Người theo thần được biết, không thể nào mất được. Nó đang đợi giờ tốt để trở về với nhà vua.

Vua tỏ lời cảm ơn thổ lang, nhưng lòng dạ vẫn phân vân nghi hoặc.

Bước sang ngày thứ sáu kể từ khi thổ lang Mường Bi gieo quẻ, vào buổi sáng có người dân chài đem dâng vua một con chép to, vừa bắt được ở dưới sông. Nhà vua vẫn trong tâm trạng không vui, vì chưa có tăm hơi gì về viên ngọc quý. Mãi đến chiều tối, người làm bếp của vua mổ thấy trong bụng cá một viên ngọc sáng rực, vội tâu báo cho vua hay. Tìm ra viên ngọc, nhà vua mừng khôn xiết. Không quên công người báo điểm tốt, nhà vua cho gọi thổ lang Mương Bi lại, gia thưởng nhiều châu báu ngọc ngà, nhưng thổ lang Mường Bi đều từ chối. Ông chỉ xin nhà vua gia ân một điều để cho dân vùng thổ lang cai quản ngày thì lui một ngày, và tháng lại tiến sớm hơn ba tháng. Thấy việc đó có nhiều ý nghĩa, nhà vua ưng thuận liền cho lập đàn tế cáo trời đất chứng giám.

Từ đó, người Mường ở Mường Bi lập lịch và giữ mãi về sau này”

Như đã trình bày ở trên, nguyên tắc ngày lui, tháng tiến là cách tính lịch bằng phương pháp đối chiếu với lịch Âm Dương, nó chỉ xuất hiện sau khi lịch Trung Hoa được du nhập vào nước ta và người Mường đã tiếp nhận, sử dụng nó song song với Lịch Tre. Cách lý giải theo truyền thuyết là nguyên tắc đối chiếu xuất hiện từ thời Hùng Vương hoàn toàn không hợp lý và chắc chắn rằng truyền thuyết này xuất hiện vào thời kỳ muộn khi mà cách tính Lịch Tre cổ truyền đã bị mai một và trở thành hoá thạch.

Trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” đã dành một chương nói về việc đặt ra lịch, đó là chương “VII. Chia năm chia tháng” [Đẻ đất đẻ nước-Sử thi dân tộc Mường 1975: 49-53]. Chương này dành phần lớn nói về chuyện ông Cuông Minh Vàng Rậm và Ả Sấm Trời khai mỏ đồng, mỏ vàng làm thành Mặt trời và Mặt trăng, còn những thông tin về cuốn lịch khá ít ỏi. Theo áng mo, hai nhân vật truyền thuyết là ông Thu Tha và bà Thu Thiên đã sáng tạo ra lịch của họ:

Mường lớn nhất sinh ra ông Thu Tha

Mường ruộng nhì sinh ra bà Thu Thiên

Đứng ra truyền làm năm, làm tháng.

Áng mo ghi nhận cấu trúc cuốn lịch như sau: năm có 12 tháng, một tháng thường có 30 ngày, nhưng cũng có tháng đủ, tháng thiếu:

Đặt ra rằng:

Một năm có mười hai tháng

Một tháng có ba mươi ngày

Có năm đầy, năm no

Có tháng no, tháng thiếu.

Nguồn tư liệu trên không đưa ra một thông tin gì khả dĩ về thời điểm xuất hiện của Lịch Tre, song chúng đều thống nhất cho rằng, từ xa xưa người Mường đã sáng tạo ra một loại lịch riêng của mình.

Xét về mặt lịch pháp, Lịch Tre là một loại lịch nguyên thuỷ, bởi nó dựa vào việc quan sát trăng, sao trực tiếp để tính lịch. So với lịch Âm Dương Trung Hoa, Lịch Tre chưa có một hệ thống tính toán chặt chẽ dựa vào các thuật toán và không thể tính toán trước được cho các năm. Bởi vậy nó không thể nảy sinh sau khi mà người ta tiếp nhận lịch Trung Hoa. Hay nói một cách khác, người ta không bao giờ sáng tạo ra cái lạc hậu hơn những cái cùng loại đã và đang có. Phải chăng, Lịch Tre chính là cuốn lịch của cộng đồng chung Việt-Mường, sau khi khối cư dân này đã chia tách, người Việt đã tiếp thu văn hoá Trung Hoa mạnh mẽ, dấu tích cuốn lịch xưa cũng chỉ còn lại trong ca dao, tục ngữ. Người Mường với đặc trưng cư trú của mình, đã có điều kiện để bảo lưu những giá trị văn hoá cổ truyền, chính vì vậy mà PGS Nguyễn Từ Chi đã đọc được dấu tích Đông Sơn trên hoa văn “đầu váy” Mường. Và số phận của cuốn Lịch Tre cũng không nằm ngoài quy luật này. Như chúng ta biết, lịch là thời gian biểu của các hoạt động xã hội, văn hoá, kinh tế…Sở dĩ Lịch Tre được bảo lưu một cách lâu dài như vậy bởi các lễ tết truyền thống, chợ phiên, các quan niệm về ngày tốt xấu vẫn được tính theo lịch này. Cần nói thêm, người Mường hiện nay vẫn duy trì được phép xem ngày độc đáo phi Hoa, phi Ấn gọi là “bắt chừ đốt” dựa trên ngày tháng tính theo Lịch Tre. Khi chính quyền phong kiến trung ương thống nhất sử dụng lịch Âm Dương thì người Mường đã có một động tác dung hoà giữa lịch nhà nước ban hành và Lịch Tre một cách tối ưu nhất vừa bảo lưu được đặc trưng cổ truyền, vừa phù hợp với lịch chính thống. Đó là, việc đặt ra nguyên tắc ngày lui, tháng tiến, làm cho Lịch Tre trở nên tiện dụng hơn, việc tính toán không cần quan sát trăng, sao trực tiếp nữa. Nhưng chính quá trình này đã làm thất truyền cách tính lịch nguyên thuỷ, biến Lịch Tre thành một thứ lịch ăn theo, phụ thuộc vào lịch Âm Dương. Rõ ràng, đó là một sáng tạo củ người Việt-Mường trong quá trình tiếp nhận những yếu tố văn hoá ngoại sinh.

Kết luận

Lịch Tre là một chứng tích về cuốn lịch cổ mà tổ tiên người Việt, người Mường đã sáng tạo ra trong tiến trình khám phá các quy luật của tự nhiên nhằm phục vụ sản xuất và đời sống xã hội. Nó góp phần tạo nên nét riêng biệt của cơ tầng văn hoá bản địa. Khi lịch Âm Dương Trung Hoa thâm nhập vào đời sống người Việt, cách tính lịch cổ đã dần dần bị mai một, chỉ để lại cái bóng dáng mờ nhạt trong ký ức dân dã. Người Mường với đặc trưng cư trú, đặc trưng lịch sử của mình đã bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá cổ truyền hơn. Lịch Tre là bằng chứng về tri thức của người xưa đã đạt đến một trình độ nhất định, là một thước đo thời gian độc đáo cho các hoạt động xã hội, do vậy nó cũng là di sản văn hoá quý báu cần được bảo tồn.