Giấy và những bước thăng trầm (1)

Ngày nay giấy đối với ta quá bình thường. Ta vò nó trong tay rồi ném đi không chút thương tiếc bởi ta có biết đâu sau ba ngàn năm từ ngày có những nét những hình đầu tiên được viết nơi hang động, đất sét… cho tới cách đây hai ngàn năm mới chế biến được giấy thô sơ và qua biết bao quá trình, mới trở thành hoàn hảo như ngày hôm nay


1 TRƯỚC KHI CÓ GIẤY:

1.1 Cây cói giấy

Các hình vẽ trong hang động là những văn kiện lâu đời nhất do con người vẽ bằng bột màu. Người Sumer, có nền văn hóa cao lâu đời nhất được biết đến, viết trên những tấm bia bằng đất sét (văn tự hình nêm, bắt đầu từ khoảng 3300 năm trước Công nguyên). Các vật liệu hữu cơ dùng để viết lên sau đó ít bền hơn. Nếu không có những tấm bia bằng đất sét của người Sumer chúng ta biết rất ít về thời gian này. Da, giấy da (parchment), gỗ, vỏ cây, giấy cói (giấy chỉ thảo) – có ở Ai Cập khoảng 3000 năm trước Công nguyên – và giấy đều có thể cháy và bị phân hủy sinh học.

Giấy cói (giấy chỉ thảo) làm bằng một loại lau sậy (cây cói giấy hay cây chỉ thảo – cyperus papyrus) được buộc vào với nhau và đặt chéo lên nhau trước khi được ép lại. Người ta viết trên đó bằng mực đỏ hay đen. Mực đen bao gồm bồ hóng và một dung dịch từ nhựa của cây keo (gummi arabicum). Mực đỏ được làm từ hoàng thổ. Người ta dùng một cây cọ làm từ cây sậy (cây lau) để viết.

1.2 Giấy cói cổ từ Ai Cập

Mặc dù cây cói giấy (cây chỉ thảo) cũng có ở Hy Lạp nhưng không được lan truyền ra ngoài nước. Trong thế kỷ thứ 3 người Hy Lạp thay thế cọ viết bằng lông chim. Từ giấy trong các thứ tiếng ở châu Âu (papier, paper…) dẫn từ tên của cây cói giấy – papyrus.

cay-papyrus

Giấy và cây papyrus

Ngoài ra người ta còn viết trên giấy da (parchment) là loại da mỏng chưa được thuộc.

giay-da

Giấy da

Ở Roma người ta sử dụng cả giấy cói (giấy chỉ thảo) lẫn bảng làm bằng sáp, văn thơ được khía lên bằng một cây nhọn. Dùng một tấm cạo có thể làm phẳng sáp lại và lại có thể viết lên trên tấm bảng này. Ở Ấn Độ người ta dùng lá cây cọ. Ở Trung Quốc, trước khi phát minh ra giấy, xương, vỏ sò ốc, ngà voi, sau đó là đồng thau, sắt, vàng, bạc, thiếc, thạch anh, đá, đất sét, tre và tơ lụa đều được dùng đến.

1.3 Trong thế kỷ thứ 5 (triều nhà Hậu Hán) Phạm Diệp đã tường thuật lại:

Từ xưa người ta đã dùng thanh tre để viết, được cột lại với nhau. Cũng có một loại giấy làm từ phế phẩm của tơ lụa. Nhưng tơ lụa quá đắt còn các thanh tre thì quá nặng nên không sử dụng thích hợp. Vì thế Thái Luân nghĩ ra kế làm giấy từ các vỏ thân cây, sợi thân cây, từ cây gai dầu cũng như từ vải và lưới đánh cá cũ. Năm 105 sau Công nguyên ông tâu lên Hoàng thượng và được ngài khen thưởng cho tài năng của ông. Từ đấy giấy trở nên thông dụng và trong cả vương quốc mọi người đều gọi đó là giấy của quý nhân Thái.

Các khám phá về khảo cổ ở Trung Hoa cộng với phép tính tuổi bằng carbon phóng xạ chứng minh rằng giấy đã hiện diện từ hai thế kỷ trước Thái Luân, nhưng người ta vẫn cho Thái Luân là người phát minh ra giấy thực thụ như ngày nay.