Độc quyền xuất bản lịch bloc 2011- Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ

SGTT – Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 25.5 có đăng bài Nguy cơ độc quyền xuất bản lịch blốc 2011 đề cập việc nhóm đa số trong hội Xuất bản Việt Nam sẽ khống chế số lượng lịch blốc năm 2011.

Ngay sau đó, chúng tôi nhận được thông tin hội Xuất bản tiếp tục ra thông báo số 16/TB–HXB Việt Nam do chủ tịch hội Nguyễn Kiểm ký, trong đó nêu cụ thể phương thức xuất bản lịch blốc năm 2011. Theo đó, hội Xuất bản Việt Nam thành lập ban điều hành xuất bản lịch blốc gồm năm thành viên là đại diện của hội và bốn nhóm xuất bản với các trưởng nhóm bao gồm nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Thời Đại, Khoa học kỹ thuật và nhà xuất bản Nông Nghiệp. Thông báo quy định tổng số lượng lịch blốc xuất bản năm 2011 là 16,2 triệu bản. Trường hợp các nhà không tham gia nhóm thì phải tuân theo nguyên tắc bình quân là mỗi đơn vị chỉ được phép in 270.000 blốc. Các nhóm thống nhất giao cho tổng công ty Phát hành sách Việt Nam làm tổng đại lý phát hành lịch blốc 2011. Riêng các nhà xuất bản không theo nhóm tự chọn cơ sở phát hành theo đúng quy định của luật Xuất bản.

Theo thông lệ, mùa lịch năm 2011 đã được khởi động từ khoảng tháng 3. Nhiều đơn vị đã chuẩn bị cho việc in lịch như nhập giấy, đặt làm bìa, bao bì, bế hộp, sơn mài (đế blốc)… Động thái này của hội Xuất bản Việt Nam đang làm cho nhiều doanh nghiệp tư nhân trong ngành xuất bản lịch blốc rất hoang mang, vì nếu “nguyên tắc” này được thực thi thì chắc chắn doanh nghiệp của họ sẽ bị thiệt hại đáng kể.

Ông Phạm Ngọc Xuyến, giám đốc công ty văn hoá Trí Đức Thái Thịnh cho biết, đã đầu tư gần 20 tỉ đồng để chuẩn bị in 1,2 triệu blốc cho mùa lịch năm nay, riêng tiền giấy đầu tư đã gần 15 tỉ đồng. Bây giờ, nếu bị khống chế số lượng, ông chỉ còn nước phá sản. Một giám đốc doanh nghiệp khác cũng cho biết, ông đã nhận đơn đặt hàng của một ngân hàng lớn in 1 triệu blốc lịch 2011, mỗi blốc lãi chưa tới 1.000 đồng. Nhưng bây giờ phải mua lại “quota” của nhóm xuất bản, chắc chắn ông sẽ ôm nợ.

Về con số 16 triệu blốc, theo hội Xuất bản, con số này căn cứ vào thống kê số hộ gia đình Việt Nam, trung bình mỗi hộ gia đình/blốc, một số giám đốc doanh nghiệp cho biết là duy ý chí. Vì hiện nay, lịch blốc không còn là sản phẩm chỉ có giá trị sử dụng để xem ngày tháng, mà còn có giá trị văn hoá, thẩm mỹ. Nhiều người có nhu cầu để trưng bày như một sản phẩm mỹ thuật, cho tặng, quảng cáo… Việc hạn chế số lượng là đồng nghĩa áp đặt, buộc thị trường quay trở lại thời kỳ độc quyền. Ngoài ra, hội ấn định tỷ lệ buộc các nhóm tham gia liên minh chấp hành cơ cấu chủng loại blốc lịch, cụ thể là 50% blốc tiểu và trung pơluya, 46,3% blốc trung màu và đại, 3,7% blốc siêu đại và cực đại, là phi lý, không tôn trọng quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Đó là chưa kể, thị trường mấy năm vừa qua cho thấy xu hướng blốc lịch pơluya đã bị tẩy chay, với quy định 50% số lượng bằng chất liệu này, nếu các doanh nghiệp thua lỗ thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trong một diễn biến khác, ngày 26.5, ban Tuyên giáo Trung ương đã có công văn số 5678–CV/BTGTW về việc xuất bản lịch blốc 2010, theo đó đồng ý về nguyên tắc chủ trương để hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thành lập ban điều hành xuất bản lịch blốc từ 2011.