Công nghệ sản xuất bao bì ngành dược đang bị lạc hậu

Bao bì ngành dược ở nước ta hiện nay còn kém chất lượng do công nghệ quá cũ. Điều đó ảnh hưởng tới sản phẩm đóng gói cho dù thành phẩm dược có đạt chất lượng.

Bao bì ảnh hưởng tới chất lượng dược phẩm

PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học cho biết, bao bì đựng thuốc gồm: chai lọ, hộp, ống tiêm, vỉ, túi… không còn đơn thuần là vật để đựng thuốc mà còn giữ nhiều chức năng quan trọng như bảo vệ dược chất và dược phẩm khỏi các tác động xấu của các tác nhân vật lý (ánh sáng, độ ẩm, bụi…) và hoá học (oxy, không khí…). Bao bì giúp đảm bảo độ ổn định của thuốc; bảo đảm độ tinh khiết, chống ảnh hưởng của các chất ngoại lai; đảm bảo độ vô khuẩn do ngăn cản sự hấp thụ, rửa trôi và thấm ẩm. Bao bì thích hợp cho phép sử dụng thuốc theo những phương cách thích hợp (tiêm, xịt, khí dung, toa dược, thuốc dán…). Bao bì tốt còn là một trong những biện pháp chống thuốc giả.

Theo TS Truyền thì nhu cầu bao bì có chất lượng cao đang ngày càng tăng trên thế giới và chiếm một tỷ trọng đáng kể trong chi phí sản xuất dược phẩm. Thị trường bao bì dược ở Mỹ đạt 8,3 tỷ USD vào năm 2008, với mức tăng trưởng 4,7%/năm. Thị trường toàn cầu khoảng 30 tỷ USD năm 2009 với mức tăng trưởng 5,3%/năm. Mười thị trường bao bì dược hàng đầu là: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Trung Quốc, Đức, Italia, Ấn Độ, Thuỵ Sỹ và Brazil. Thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam, chi phí cho bao bì chiếm khoảng 10% giá thành của dược phẩm (khoảng 30 triệu USD/năm).

Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bao bì dược do: tiêu thụ thuốc ngày càng tăng trên thế giới (dân số già, bệnh mãn tính, nhiều thuốc mới, kinh tế phát triển, mức sống được nâng cao…). Trong khi đó, quy chế dược và tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ đối với đóng gói và bao bì thuốc; xu hướng tăng cường cấp phát đúng thuốc, phù hợp với sự định liều, phù hợp với người dùng thuốc, ngăn ngừa thuốc giả.

TS Truyền cho biết thêm, trong những thập niên tới, bao bì chất dẻo (màng chất dẻo, màng chất dẻo kết hợp màng nhôm, chai lọ, ống tiêm chất dẻo) là những sản phẩm có nhu cầu lớn. Bên cạnh đó các phát minh thuốc mới và các dạng bào chế mới ngày càng nhiều. Quy chế, tiêu chuẩn của cơ quan quản lý về cách đóng gói (đơn liều, bao bì chống ẩm) ngày càng cao và chặt chẽ. Sự phát triển các dạng bào chế xông hít và đựng trong bơm tiêm, sự phát triển việc đóng gói thuốc rắn, lỏng và dịch truyền trong chai lọ chất dẻo (rẻ tiền, trong suốt, dễ thay đổi thiết kế bao bì…) sẽ là xu hướng cao.

Thị trường ngày càng có nhu cầu cao về bao bì không độc, tạo được màng nhiều lớp dùng cho dược phẩm, bảo vệ tốt các dược chất dễ hỏng như: các kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc hạ huyết áp, các chế phẩm thảo dược, các vitamin…Do vậy sản xuất đạt chất lượng không chỉ đòi hỏi với ngành dược mà đối với ngành sản xuất bao bì cần nghiêm ngặt.

Cần đầu tư công nghệ để bao bì tương xứng với thuốc

Bà Đỗ Huỳnh Phương Lan, Giám đốc Công ty in Minh Phương cho biết, ngành bao bì Việt Nam hiện nay hầu hết vẫn còn sử dụng máy cũ, đã qua sử dụng. Các công đoạn làm ra thành phẩm sau in còn thủ công, chất lượng thấp và không đồng bộ. Môi trường sản xuất bao bì, in chật hẹp dẫn đến không bố trí quy trình hợp lý, bảo quản nguyên vật liệu và thành phẩm không đạt yêu cầu, không đảm bảo vệ sinh… Hầu hết các nhà máy sản xuất bao bì đều đơn lẻ, thiếu đầu tư đồng bộ. Nguyên liệu để sản xuất không ổn định, môi trường nhà xưởng, kho bảo quản không đạt tiêu chuẩn…

Bà Lan chia sẻ, công ty Minh Phương là một trong những công ty sản xuất bao bì có quy mô và đầu tư lớn ở TP.HCM, với 60% bao bì xuất khẩu và cung cấp nội địa chỉ 40%. Bao bì xuất khẩu được sang các thị trường nước ngoài đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn GMP. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, bà Lan đã phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua công nghệ mới, về sử dụng được 3 năm, sau đó lại phải tiếp tục thay đổi công nghệ khác…

Nếu chỉ đầu tư cho công nghệ, máy móc thôi chưa đủ mà còn cần phải đầu tư cho cả một dây chuyền sản xuất từ nhà xưởng đến nguyên liệu, con người…

“Với quy mô hoạt động như của các công ty sản xuất bao bì Việt Nam hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc từ các quỹ đầu tư, ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác sẽ rất khó thay đổi quy trình sản xuất, vì vốn đầu tư cho công nghệ sản xuất bao bì rất nặng. Và công nghệ mới phải được đặt trong một nhà xưởng mới có quy mô phù hợp chứ không thể đặt trong nhà máy lụp xụp, thủ công như trước… Nếu không có đầu tư đồng bộ sẽ không thể có bao bì đạt chất lượng. Không có bao bì đạt chất lượng chúng ta sẽ không thể có sản phẩm chất lượng… ”, bà Lan nhấn mạnh.

TS. Truyền cũng cho rằng, ngoài việc tăng cường công tác nghiên cứu phát triển, việc đảm bảo các yếu tố của sản xuất (nguyên liệu, tá dược, quy trình và quản lý chất lượng theo GMP và ISO…), các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam cần quan tâm đến yếu tố bao bì ngay từ công đoạn nghiên cứu sản phẩm và xác định độ ổn thị trường, giành được sự tín nhiệm của người tiêu dùng và các thầy thuốc đối với thuốc sản xuất trong nước.