Ảnh hưởng của động đất và sóng thần tại Nhật Bản đến tình hình kinh doanh máy móc thiết bị ngành in

Như chúng ta đã biết ngày 11/03/2011 trận động đất mạnh 8.9 độ Richter kèm theo sóng thần đã xảy ra tại Nhật Bản đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến nền kinh tế và đình đốn nhiều họat động của Nhật. Bên cạnh thiệt hại về người, nhà cửa và của cải, nền kinh tế Nhật Bản còn phải chịu thiệt hại do nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới thị trường tài chính và tài chính công cũng như những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
1. Kinh tế Nhật Bản
Cơ sở hạ tầng bị phá hủy không chỉ gây khó khăn cho họat động giao thông vận tải mà còn ảnh hưởng tới sản xuất, thương mại. Hàng hóa qua các cảng biển chiếm 7% tổng sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong khi những cảng này chỉ có thể họat động trở lại sớm nhất sau vài tháng.

2. Tác động đối với kinh tế Việt Nam
Về tổng quan, trận động đất tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tối kinh tế Việt Nam trên một số lĩnh vực sau:
– Về thương mại: Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, quan hệ xuất khẩu và nhập khẩu bị ngưng trệ, họat động ngoại thương sẽ giảm.
– Về đầu tư từ Nhật bản vào Việt Nam dự báo cũng sẽ không đạt mục tiêu khi phải tập trung xây dựng lại đất nước. Về lâu dài, sau giai đoạn tái thiết, nhiều công ty Nhật có thể sẽ di dời nhà máy ra khỏi Nhật bản để tránh rủi ro và thiệt hại.
– Về tài chính: Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính cho việc phát triển kinh tế Việt Nam, trận động đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta.

3. Tác động đối với việc kinh doanh máy móc thiết bị trong ngành in tại Việt Nam

70% máy móc thiết bị của các doanh nghiệp in vừa và nhỏ của Việt Nam là máy đã qua sử dụng và được nhập khẩu từ Nhật Bản, nguồn cung cấp của Công ty hiện là máy của các nhà in Nhật Bản bán ra. Thảm họa từ động đất và sóng thần cũng gây khó khăn vốn đã có từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu mà trong đó nước Nhật cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.

Anh hưởng từ khủng hoảng do động đất đã làm cho chủ các nhà in tại Nhật không có vốn để đầu tư máy móc thiết bị mới thay cho các máy móc thiết bị cũ theo qui định phải được thay thế. Để đảm bảo phù hợp với môi trường sản xuất, họ sẽ nhờ các hãng chế tạo đại tu lại để kéo dài thời gian sản xuất và như vậy máy cũ không bán ra thị trường thường xuyên như các năm trước. Nếu có thì cũng rất ít, do vậy họ sẽ bán ra với giá cao vì cung ít hơn cầu.

Thị trường máy đã qua sử dụng tại Nhật có rất nhiều khách hàng ở các nước chậm và đang phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam, … nên khi nguồn cung ít thì các nước tranh nhau để mua làm cho giá cả tại thị trường này gia tăng theo nhu cầu của khách.

Đối với Việt Nam, do ảnh hưởng của khủng hỏang kinh tế cùng với lạm phát đã làm cho đồng tiền Việt Nam đang mất giá trước các ngoại tệ mạnh như EURO, USD, và nhất là Yên Nhật diễn biến rất phức tạp từ khi động đất và sóng thần, giá cả tăng vọt. Khi chính phủ Nhật bỏ tiền ra khắc phục thì xuống thấp vào tháng 4 và hiện nay đã tăng trở lại.

Cộng hai lý do trên cho thấy giá cả máy móc thiết bị bán ra ngày càng tăng giá. Thế nhưng không phải sự gia tăng nào cũng được chấp nhận như một quy luật, mà còn phải xét lại khả năng của doanh nghiệp khi đầu tư vì nguồn vốn hiện đang gặp khó khăn, chi phí đầu tư phải ở mức độ hợp lý, đảm bảo đủ khấu hao nhưng giá cả phải cạnh tranh được.

Muốn kinh doanh trong thình hình hiện nay, công ty phải chấp nhận bán ra với một mức lợi nhuận không đáng kể để duy trì họat động sản xuất kinh doanh của mình (tỷ giá gia tăng, lãi suất vay cao, …)

Đối với Primexco, sau ngày động đất và sóng thần tại Nhật Bản mức độ thiệt hại rất lớn đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh máy móc thiết bị của Công ty như sau:

– Các công ty sản xuất máy in Nhật Bản tập trung cho việc đại tu máy, các xí nghiệp không bán ra máy cũ mà để tận dụng chứ không đầu tư. Khi Công ty mua được máy thì ảnh hưởng sóng thần ở phía Đông Bắc và chủ yếu là miền biển nên việc vận chuyển máy móc thiết bị đi đến các nước bị ngưng trệ, cụ thể các máy Công ty đã đặt hàng trước tháng 2 và tháng 3 đến hôm nay vẫn chưa về kịp và được thông báo nhanh nhất là giữa tháng 5 mới có thể đi được.

– Một số nhà in trong vùng bị động đất và sóng thần đã nhờ các nhà in khác ở các vùng lân cận không bị ảnh hưởng hỗ trợ nên việc mua bán máy cũng bị ngưng lại vừa làm nghiệp vụ hỗ trợ vừa tận thu nguồn việc.

– Các nhà cung cấp máy đã qua sử dụng của Nhật do không cạnh tranh lại với các nước khác nên không thể mua máy để cung cấp cho Việt Nam và họ đã đầu tư chuyển dần hướng kinh doanh của mình sang các lĩnh vực khác để đảm bảo hoạt động của công ty. Do đó, để mua được máy trong thị trường hiện nay, Công ty phải cùng đồng hành với họ để thỏa thuận giá cả, không phải trả giá cho mình mà để cạnh tranh với các nước khác do hàng hóa ít dần đi. Điều này sẽ dễ thấy được vì sao giá cả máy móc đều tăng vọt trong thời điểm hiện nay.

4. Tình hình các doanh nghiệp in tại Việt Nam và định hướng của Công ty XNK Ngành In TP.HCM

Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam hiện tại vẫn còn đang rất yếu, lạm phát cao, thâm hụt ngân sách thường xuyên, dự trữ quốc gia giảm mạnh, nợ công tăng cao, tình hình quản lý yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng để lại những hậu quả to lớn ngày càng khó khăn, Ngân hàng nhà nước siết chặt tín dụng, dòng vốn khan hiếm, lãi suất tăng cao (từ 18 đến 21%/năm).

Tình hình lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào từ nguyên nhiên vật liệu đến toàn bộ chi phí sản xuất đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng hết sức khó khăn.Việc kinh doanh thua lỗ xuất hiện ngày một nhiều ở tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, đây là dấu hiệu xấu cho nền kinh tế vĩ mô.
Để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong thời điểm này vấn đề đặt ra là phải tìm biện pháp để “thắt lưng buộc bụng” , tiết kiệm mọi chi phí có thể. Trước mắt phải xét lại phương án kinh doanh, cắt giảm những chi phí chưa thiết thực, những khoản đầu tư chưa có khả năng sinh lời. Với lãi suất cho vay hiện nay việc đầu tư thêm máy móc thiết bị cho phát triển sản xuất sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Như chúng ta đã biết các doanh nghiệp in dang trong bước thực hiện đồng bộ việc điều chỉnh tăng giá công in theo Thông báo mới nhất của Hội In Thành Phố ngày 18/04/2011. Ngày 06/05/2011 Nhà Xuất Bản Giáo Dục đã công bố giá bìa của sách giáo dục tăng bình quân 15%. Đề góp phần cho ngành in vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay, Công ty XNK Ngành In TP.HCM mong muốn được đồng hành và chia sẻ bằng những dịch vụ của mình. Trong lúc chưa đầu tư thì nâng cấp, đại tu máy góp phần giảm nhẹ chi phí cho các doanh nghiệp.

Với mong muốn khi nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, Công ty sẽ góp phần đầu tư cho các đơn vị để cùng nhau phát triển bền vững.