Mùa lịch bloc 2011: Tư nhân “ngoài nhóm” sẽ làm hàng triệu bloc

TT – Tiếp theo việc Hội Xuất bản vận động các nhà xuất bản (NXB) chia thành bốn nhóm để sản xuất lịch bloc cho mùa lịch năm 2011, mới đây Cục Xuất bản có công văn (số 1407/XB-QLXB) ký ngày 28-5-2010 kêu gọi các NXB (đã đăng ký hoặc chưa đăng ký kế hoạch xuất bản lịch bloc) xây dựng kế hoạch xuất bản lịch bloc năm 2011 gửi về Cục Xuất bản.

Hiện nay, ngoài các NXB tham gia theo bốn nhóm sản xuất lịch, có ít nhất hai nhà xuất bản đang không tham gia làm lịch nhóm, đó là NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM và NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM.

Ông Nguyễn Thái Sơn – giám đốc, tổng biên tập NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM – cho biết từ tháng 4-2010 NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM đã đăng ký kế hoạch xuất bản 3.200.000 bloc lịch cho mùa lịch 2011. “Chúng tôi chọn giải pháp liên kết với các đơn vị tư nhân để sản xuất”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM cũng đang có kế hoạch xuất bản lịch bloc năm 2011 với số lượng 770.000 bloc các loại để bán rộng rãi trên thị trường, và 500.000 bloc các loại dành cho các tổ chức, cơ quan có nhu cầu biếu tặng, quảng bá thương hiệu. NXB này cũng chọn phương thức liên kết với một công ty TNHH có chức năng kinh doanh văn hóa phẩm để làm lịch.

Công văn 1407 của Cục Xuất bản còn có nội dung hướng dẫn các NXB thực hiện việc dán tem chống in lậu do Cục Xuất bản ban hành.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự), nếu muốn điều chỉnh hành vi dán tem thì Bộ Thông tin và truyền thông phải ban hành thông tư mới có giá trị pháp lý.

Về nội dung này, ông Nguyễn Thái Sơn cho rằng việc dán tem đã được các NXB thực hiện lâu nay, nhằm chống in lậu và quảng bá thương hiệu của mỗi đơn vị. Trong khi các đối tác liên kết làm lịch bloc cũng có nhu cầu dán tem của họ, việc Cục Xuất bản yêu cầu mỗi NXB dán thêm tem do cục ban hành có thể khiến mỗi bloc lịch có ba con tem được dán. Tổng cộng chi phí ba con tem này không dưới 1.000 đồng, và ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh.

Giới luật sư cũng cho biết: hành vi thỏa thuận ấn định mỗi NXB chỉ được sản xuất 270.000 lịch bloc các loại của Hội Xuất bản Việt Nam đã rơi vào “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” quy định tại khoản 3 điều 8 của Luật cạnh tranh; và là “trường hợp bị cấm thỏa thuận” theo quy định tại khoản 2 điều 9 Luật cạnh tranh.